Những ngành học độc nhưng lại dễ xin việc
Ngành dịch vụ logistics (giao nhận – kho vận) tại Việt Nam thời gian gần đây đã phát triển khá nhanh về tốc độ và số lượng. Tuy nhiên, hoạt động này còn phát triển
Ngành xây dựng đường sắt- Metro: Duy nhất một trường đào tạo
Đây là ngành mới tuyển sinh từ năm 2008 của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Năm 2011, trường tuyển 70 chỉ tiêu vào ngành này.
Hiện chỉ có duy nhất Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đào tạo ngành xây dựng đường sắt-metro, thi khối A. Điểm chuẩn vào ngành này của trường năm 2010 là 13,5 điểm, năm 2009 là 13 điểm và năm 2008 là 15 điểm.
Theo trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, ngành Xây dựng đường sắt- Metro đòi hỏi sinh viên cần có kiến thức và biết cách phân tích số liệu trong chuyên ngành xây dựng đường sắt – metro như kết cấu, vật liệu, địa chất, nền móng, trắc địa, thủy văn, thông tin tín hiệu.
Về kiến thức chuyên ngành sinh viên có kiến thức về khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công công trình; quản lí dự án.
Ngoài ra, sinh viên ra trường có kỹ năng đọc, tra cứu, áp dụng các tiêu chuẩn trong và ngoài nước trong lĩnh vực chuyên môn; có kỹ năng phân tích, đánh giá và đúc kết các kinh nghiệm trong thực tiễn để hình thành tư duy, lập luận cho bản thân.
Kỹ năng mềm của ngành đòi hỏi sinh viên tìm và xử lý thông tin, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, kỹ năng tổ chức và làm việc theo nhóm; có tư duy độc lập và sáng tạo; Có khả năng suy luận và thuyết trình logic.
Sinh viên ngành xây dựng đường sắt- Metro sau khi tốt nghiệp có khả năng khảo sát công trình; thiết kế, kiểm định, lập dự toán, lập hồ sơ đấu thầu; tham gia thi công, trực tiếp quản lý các đội sản xuất tại công trường; giám sát công trình.
Các vị trí có thể đảm nhận là: kỹ sư thiết kế, kỹ sư quản lý dự án, kỹ sư tư vấn giám sát, kỹ sư quản lý thi công, kỹ sư quản lý đầu tư, đội trưởng đội thi công, chỉ huy trưởng công trường.
Có thể làm việc trong các công ty khảo sát, tư vấn thiết kế; công ty kiểm định; công ty thi công hoặc các Ban quản lý dự án hạ tầng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam; các Ban Quản lý Đường sắt đô thị ở các tỉnh thành, các công ty Quản lý và khai thác Đường sắt có vốn đầu tư trong và ngoài nước; trợ giảng ở các trường Đại học, Cao đẳng.
Được biết, TP.HCM và Hà Nội hiện nay có nhiều dự án lớn về hệ thống tàu điện ngầm nhưng kỹ sư ngành xây dựng đường sắt-metro thì chưa có. Riêng TP.HCM sẽ có 7 tuyến được xây dựng cho tới năm 2020 nên cơ hội việc làm sẽ rất tốt.
Ngành giao thông vận tải cho biết, sắp tới sẽ cần 8.000 kỹ sư, kỹ thuật viên. Đặc biệt, do chưa có người nên ngành giao thông vận tải đang gửi kỹ sư các ngành khác sang Nga đào tạo.
Sinh viên Ngành xây dựng đường sắt- Metro có khả năng tiếp tục học tập, nghiên cứu sau đại học các chuyên ngành thuộc lĩnh vực xây dựng đường sắt – metro và các chuyên ngành liên quan khác và khả năng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới trong các lĩnh vực liên quan.
Ngành quản trị Logistics và vận tải đa phương thức: 2 trường đào tạo
Năm 2008 vừa qua, Khoa kinh tế vận tải biển (Đại học Giao thông vận tải Tp.HCM) đã lần đầu tiên trong cả nước mở chuyên ngành Quản trị logistics và vận tải đa phương thức.
Từ 2003, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã đi tiên phong trong việc đào tạo chuyên ngành logistics với bộ môn Quản trị cung ứng và logistics thuộc chuyên ngành ngoại thương của trường.
Sinh viên Ngành quản trị Logistics và vận tải đa phương thức cần có kiến thức cơ sở chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức, bao gồm: hàng hóa vận tải, địa lý vận tải, marketing quốc tế, quản trị chiến lược, vận tải đa phương thức và kinh doanh quốc tế, ….
Theo trường ĐH Giao thông vậnt tải, Về kiến thức chuyên ngành, sinh viên cần biết chuyên sâu về kinh tế logistics, quản trị nhân sự, luật vận tải, quản trị logistics, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, khai thác vận tải đa phương thức, nghiệp vụ tài chính, kế toán trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức.
Về kỹ năng chuyên môn sinh viên có thể tham gia lập kế hoạch, tổ chức, điều hành dịch vụ vận tải đa phương thức. Thực hành nghiệp vụ giao nhận vận tải đa phương thức. Có khả năng phân tích luồng hàng, xác định nhu cầu khách hàng, qui hoạch trung tâm phân phối và quản trị qui trình phân phối từ trung tâm đến khách hàng.
Có thể lập kế hoạch và tổ chức công tác đóng gói, kho bãi, xếp dỡ, giao nhận, vận tải và cung ứng; thực hành nghiệp vụ kế toán của doanh nghiệp; lập và phân tích các báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phân tích hiệu quả của hoạt động logistics và vận tải đa phương thức, …
Tham mưu kế hoạch logistics chiến lược; thiết kế mạng lưới logistics; xây dựng qui trình khai thác, phát triển và quản trị chuỗi cung ứng.
Sau khi ra trường, sinh viên có thể công tác tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải đa phương thức nói riêng và các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, giao nhận nói chung, …Các phòng ban nghiệp vụ phù hợp chuyên môn gồm: kế hoạch, khai thác, marketing, dịch vụ khác hàng, kinh doanh quốc tế, kho vận, cung ứng vật tư, kế toán, …
Điểm chuẩn ngành quản trị Logistics và vận tải đa phương thức năm 2010 là 14,5 điểm và vào ĐH Kinh tế TPHCM là 19 điểm.
Các sinh viên học Ngành quản trị Logistics và vận tải đa phương thức luôn là đích ngắm của các doanh nghiệp FDI vì tính thực tiễn của nó đối với xã hội. Song do yêu cầu giảm tải, 3 năm trở lại đây, logistics không còn là môn học độc lập tới bậc đại học, mà được giới thiệu lồng ghép trong các môn quản trị ngoại thương, vận tải bảo hiểm.
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn Tp.HCM có khoảng 600 – 700 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics trong tổng số khoảng 800 – 900 trên cả nước. Theo ước tính của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, trung bình mỗi tuần có một công ty giao nhận logistics được cấp phép hoạt động hoặc bổ sung chức năng logistics.
Ngành dịch vụ logistics (giao nhận – kho vận) tại Việt Nam thời gian gần đây đã phát triển khá nhanh về tốc độ và số lượng. Tuy nhiên, hoạt động này còn phát triển tự phát, manh mún và phần lớn thị trường thuộc về các tập đoàn nước ngoài. Bên cạnh đó, sự phát triển nóng của dịch vụ logistics đã làm cho nguồn nhân lực cho ngành này trở nên thiếu hụt trầm trọng.
Leave a Reply